Thứ Ba , 19 Tháng Bảy 2016

Di tích lịch sử Miếu Mèn – Mả Dạ – Ba Vì

Di tích Miếu Mèn nằm ở phía Tây cách Thủ đô Hà Nội gần 50km. Để đi đến di tích, chúng ta có thể đi theo đường đường Quốc lộ 32 qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, qua xã Đường Lâm là tới địa phận thôn Nam An, xã Cam Thượng. Di tích Miếu Mèn nằm giữa cánh đồng cách đường Quốc lộ 32 khoảng 40m về bên phải.

Miếu Mèn - Ba Vì

Miếu Mèn toạ lạc trong vùng đất tối cổ, nổi danh trong suốt chiều dài của lịch sử nước nhà. Từ hơn 4.000 năm về trước khu vực này đã là địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương. Chứng tích vật chất của giai đoạn lịch sử này là các di chỉ khảo cổ học Đồi Cúc, Gò Hện ở Vạn Thắng, gò Mão Sơn được phát hiện vào năm 1962 và khai quật vào năm 1970 với bộ sưu tập các công cụ phong phú gồm: rìu đá mài hình tứ giác, bàn mài, mảnh gốm thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới ở nước ta.

Miếu Mèn được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng, nhìn theo hướng Nam trông ra sông Hồng. Miếu Mèn là một công trình kiến trúc hình chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu cung. Vật liệu dùng trong di tích là những vật liệu bền vững có mặt phổ biến trong các kiến trúc tôn giáo truyền thống ở nước ta, gạch xây tường, mái lợp ngói ta, toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ lim. Quy hoạch mặt bằng gồm khoảng sân hẹp ở trước Tiền tế, qua nhà Tiền tế là Hậu cung.

Nhà Tiền tế gồm ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, phía trước xây thêm khoảng tường rộng hơn 2m, phần trên tường trang trí lồng đèn trụ biểu. Bốn bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu Thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ và bẩy hiên trên bốn hàng chân cột. Nhà Tiền tế được xây cao 40cm so với mặt sân, lát gạch hình vuông màu đỏ nhạt, kích thước 20 x 20cm. Lòng nhà Tiến tế để trống tạo không gian thoáng đãng mỗi khi có việc làng. Sát tường hồi phải làm sàn gỗ cao 1m20 để đặt long ngai, đồ tế tự cho trợ thủ của Man Hoàng hậu.

văn hoa miếu mèn

Nhà Hậu cung gồm ba gian nhà dọc, nối liền với gian giữa của Tiền tế tạo thành hình chữ Đinh. Các bộ vì được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy trên trên hai hàng cột chính. Cũng như ở Tiền tế, các bộ vì được bào trơn, bào soi tạo ra vẻ thanh thoát cho ngôi miếu cổ.
Trong nhà Hậu cung, hai gian ngoài đặt hương án, kiệu thờ, gian trong cùng làm hệ thống sàn gỗ cao 1m20 đặt khám thờ. Trong khám có long ngai bài vị của bà Man Thiện.
Mả Dạ (mộ của bà Man Thiện) nằm về phía Bắc cách Miếu khoảng 200m. Đây là một khu đất cao nằm giữa cánh đồng, giữa gò là ngôi mộ đất có kích thước lớn (3m x 3m x1m20). Sau này trong quá trình canh tác, diện tích ngôi mộ cổ đã bị thu hẹp.

Hiện Miếu Mèn còn bảo lưu được một sưu tập di vật văn hoá lịch sử quý của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau:
– Một bộ kiệu gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ 19.
– Hai Long ngai gỗ chạm thế kỷ thứ 19.
– Một đôi Nghê gỗ thế kỷ 19.
– Một hương án gỗ thế kỷ 19, trang trí tứ linh, hổ phù, long mã…
– Một kiệu rước nước kích thước nhỏ thế kỷ 19.
– Một chuông đồng cao 50cm, đường kính đáy 27cm.
– Một choé sứ Trung Quốc thế kỷ 18.
– Một bức hoành phi “Thụ Phúc Giới” – Hưởng phúc lớn.
– Hai câu đối ca ngoại công lao, sự nghiệp của bà Man Thiện.
– 11 đạo sắc của hai triều Lê – Nguyễn phong thần cho bà Man Thiện. Thời Lê có các triều hiệu Cảnh Hưng thứ tư (1743), Chiêu Thống năm đầu (1787). Thời Nguyễn có sắc của vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định ban tặng…

di tích miếu mèn

Miếu Mèn và gò Mả Dạ là di tích về một nhân vật lịch sử lớn trong thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta. Trong quần thể di tích này, gò Mả Dạ gắn bó trực tiếp với nhân vật được thờ, Miếu là một công trình tưởng niệm vị anh hùng đã quên mình vì nước. Trong những giá trị hiện còn, cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của bà Man Thiện đã tạo ra một lớp văn hoá lịch sử lâu đời bao chùm cả khu vực.