Thứ Hai , 20 Tháng Sáu 2016

Sự tích Miếu Mèn – nơi thờ bà mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng

Di tích Miếu Mèn thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Xã Cam Thượng phía Bắc giáp xã Đông Quang, Tiên Phong, phía Tây giáp xã Thuỵ An, phía Đông giáp xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Thời Phong kiến, di tích thuộc thôn Nam Nguyễn, tổng Cam Giá, huyện Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Ngày nay, di tích thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

image_gallery

Bà Man Thiện thuộc dòng dõi các vua Hùng, có sách chép nguyên họ tên bà là Trần Thị Đoan. Bà kết hôn với ông Hùng Định (quê ở làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh, nay thuộc Hà Nội), là lạc tướng ở Mê Linh. Sau khi lấy chồng, Bà Man Thiện sinh hạ được ba người con, một người con trai mất sớm và ngày 01/8/năm Giáp Tuất (tức là năm 14 công lịch) bà sinh hai cô con gái, người chị tên là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Về cái tên của Hai Bà Trưng có nhiều giả thuyết. Một giả thuyết cho rằng, Trưng là lấy theo tên họ của cha là ông Trưng Định. Một giả thuyết cho rằng, tên của hai chị em là Trứng chắc, Trứng nhị (tức là tên gọi quen thuộc của hai cái trứng tằm trong dân gian), nghĩa là, kén thứ nhất thì chắc – là chị, kén thứ hai thì mỏng – là em, đồng thời cũng có thể nói đến thứ tự sinh đôi nhất – nhì.

Một thời gian sau, ông Hùng Định mất, bà Man Thiện phải một mình lo toan cầy cấy, tằm tang, nuôi dạy hai cô con gái. Bà dậy hai con gái theo truyền thống Lạc Hồng. Bà mời vợ chồng ông Đỗ Năng Tế – ông giỏi võ nghệ, bà giỏi công dung về làm gia sư và huấn luyện võ nghệ cho hai chị em Trưng Trắc, mong muốn hai con sau này sẽ trở thành những người anh hùng kiệt xuất, làm rạng rỡ tổ tiên, non sông gấm vóc.

Lúc này, đất nước ta đang bị giặc Phương bắc đánh chiếm. Bà cùng với các con tích trữ lương thực, chiêu mộ anh tài chờ ngày khởi nghĩa. Khi lực lượng đủ mạnh, bà mới giao quyền lãnh đạo lại cho con rể và con gái. Như vậy, chính bà là người gây dựng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lịch sử ngay từ buổi ban đầu.
Giữa lúc nghĩa quân Hai Bà Trưng đang chuẩn bị mọi lực lượng khởi nghĩa giành lại độc lập thì Thi Sách bị Thái thú Tô Định sát hại. Hành vi tàn bạo của kẻ thù đã làm tăng thêm quyết tâm của Hai Bà Trưng trong cuộc đấu tranh để đòi nợ nước, trả thù nhà.
Trước hành động kiên quyết và ý chí phục thù của con gái, bà Man Thiện càng tin tưởng và gấp rút chuẩn bị để ủng hộ sự nghiệp cứu nước của con gái. Dựa vào lòng tôn kính và hoài vọng của nhân dân đối với các vua Hùng và uy tín của vị Lạc tướng đất Mê Linh, bà Man Thiện đã đi khắp nơi, từ vùng núi Ba Vì, Hưng Hoá, Tam Đảo, Tiên Du đến vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng để liên kết với các quan lang, thủ lĩnh địa phương  chiêu mộ anh hùng hào kiệt, tuyển chọn dân binh thêm dày lực lượng. Mặt khác, bà còn quan tâm đến việc đẩy mạnh canh nông, tích tụ lương thảo, bí mật luyện tập binh mã chờ ngày khởi nghĩa.

Mùa xuân năm Canh Tý (tức là năm 40 công lịch), Bà và hai con gái gióng tiếng trống Mê Linh khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa kéo về bãi Trường Sa, cửa sông Hát (nay thuộc huyện Phúc Thọ) lập đàn thề, truyền hịch khởi nghĩa. Anh hùng hào kiệt khắp nơi kéo về tụ nghĩa, điển hình như: Lê Chân, Thánh Thiên, Xuân Nương, Phương Dung…Nghĩa quân tiến đánh thành Luy Lâu, thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở nước ta. Hai Bà Trưng đi đến đâu, đều được nhân dân hết lòng ủng hộ, nhanh chóng đánh tan quân Tô Định, thu phục 65 huyện, thành, giành lại độc lập trên toàn lãnh thổ.
Cũng theo Thần tích kể lại, trong cuộc khởi nghĩa này, bà Man Thiện đã chỉ huy 7 vạn quân bản bộ cùng với lực lượng của hai con tiến đánh quân giặc.Nơi bến Nam Nguyễn, bà chỉ huy tướng lĩnh cùng đội quân chiến đấu với giặc, góp phần đánh đuổi quân của Tô Định về phương Bắc. Khi Trưng Trắc lên ngôi vua, bà được nhân dân ta tôn vinh là Man Hoàng hậu. Năm Quý Mão (43 sau CN), vua Đông Hán cử tướng Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Lúc đó tuy tuổi đã già, bà Man Thiện vẫn dũng cảm dẫn một cánh quân xung trận, rồi bà hi sinh trong trận đánh cuối cùng tháng 3 năm 43 sau CN. Nơi bà qua đời từ đó có tên là Mả Dạ và một ngôi miếu được dựng lên thờ Bà gọi là Miếu Mèn, nay vẫn còn ở làng Nam An, xã Cam Thượng. Từ chân núi Ba Vì đổ ra cửa sông Đáy, ở quãng giữa có cùng đồi gò trập trùng, cây cối um tùm. Trong tiếng Việt thời tối cổ “Dạ” là tiếng tôn xưng người đàn bà già anh dũng, “Mèn” là tôn kính bậc anh thư ấy như bà mẹ chung của dân tộc.

Miếu Mèn quy mô không lớn nhưng còn giữ được nhiều di vật quý giá như: kiệu bát cống, long ngai, bài vị, hương án, nghê gỗ, hoành phi, câu đối, sắc phong… biểu thị lòng thành kính của dân làng với Man Hoàng hậu, người phụ nữ Việt Nam anh hùng ở đầu thế kỷ I. Miếu Mèn được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990.

di tích miếu mèn

Trải qua bao biến thiên lịch sử, ngôi đền đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, kiến trúc chính của đền Thịnh Thôn là kiểu chữ “đinh”, bao gồm một tòa Đại bái và Hậu cung. Phía trước qua một khoảng sân là một tòa Đại bái ba gian. Tòa Đại bái này được dân làng xây dựng cách vài trăm mét, sau mới được chuyển đến bổ sung cho quần thể kiến trúc. Đại bái chia làm ba gian, kết cấu theo kiểu “kèo kẻ giá chiêng”, trên câu đối ghi dòng chữ Hán “Tự Đức nhị thập ngũ niên” (năm Tự Đức thứ 25, 1872), được chạm trổ giản dị: đầu dư chạm khắc kiểu đốt trúc, các kẻ bẩy, con rường… với họa tiết lá lật mềm mại. Đặc biệt, công trình này chỉ xây bít đốc, không xây tường hậu nên nó đảm nhiệm chức năng gần như một cổng.